Tôm rớt đáy làm cho nhiều bà con nuôi tôm phải đau đầu. Vậy nguyên nhân dẫn đến việc tôm rớt đáy là gì? Và biện pháp nào giúp khắc phục tình trạng tôm rớt đáy để bà con nuôi tôm đạt hiệu quả cao? MAYA sẽ giúp bà con giải đáp qua bài viết dưới đây.
1.Nguyên nhân tôm rớt đáy:
Thường xảy ra ở ao bạt giai đoạn tôm thịt khoảng sau 2 tháng nuôi đến gần thu hoạch. Ở một số ao nuôi mật độ cao có thể xảy ra sớm hơn, chỉ 1,5 tháng nuôi. Mỗi đêm, tôm có thể rớt đáy từ 5 – 10 kg cho đến vài chục kg, thậm chí một số ao tôm có thể chết đến cả tấn. Đa số tôm chết còn tươi mềm, phần đầu và các phần phụ như râu, chân bò, chân bơi, đuôi đã bị các con tôm khỏe rỉa ăn trông gọn gẽ nên người nuôi còn gọi là “chết cục thịt”.
- Tôm mắc phải các bệnh về nấm ảnh hưởng đến quá trình lột xác, khi lột sẽ dính chân, dính đuôi và chết.
- Nhiệt độ giảm, tôm có xu hướng tìm đến vùng nước ấm hơn nơi đáy ao, đồng thời tránh đi tiếng động của mưa (Nơi tập trung nhiều khí độc và mầm bệnh) => Tại đây tôm thường bị rớt cục thịt sau khi lột.
- Mưa lớn khiến nước ao bị phân tầng oxy, dẫn đến thiếu hụt oxy ở đáy, đặc biệt là về đêm. Nếu tôm lột nhiều trước, trong và sau mưa càng làm cho tôm dễ chết đồng loạt hơn vì thiếu oxy, khí độc cao và sự thiếu hụt khoáng chất và sự sụt giảm độ cứng, độ kiềm của nước ao.
- pH giảm trong mưa càng kích thích tôm lột xác hơn, điều này càng làm tăng nguy cơ tôm chết trong và ngay sau mưa.Tảo tàn sẽ phát sinh khí độc đặc biệt là H2S, tôm chết do ngộ độc H2S. Đồng thời tảo tàn là nguồn dinh dưỡng cho mầm bệnh, mật độ vi khuẩn gia tăng cùng với sức khỏe tôm suy giảm làm tôm dễ dàng nhiễm bệnh: trống ruột, đốm đen, đen mang và hoại tử gan cấp tính.
- Số lượng tôm nuôi trong ao quá cao, dẫn đến khi lột xác làm cho hàm lượng vi lượng trong ao thay đổi khiến môi trường ao tôm trở nên xấu đi. Do đó, khi mật độ quá cao dễ gây ra các loại bệnh khiến tôm rớt đáy.
- Chất lượng thức ăn kém cũng ảnh hưởng đến đời sống của tôm. Tôm không nạp đủ dưỡng chất cho quá trình sinh trưởng và phát triển dẫn đến còi cọc, thiếu chất, dễ nhiễm bệnh và rớt đáy.
- Môi trường thiếu khoáng cũng là một yếu tố dễ khiến tôm rớt đáy mà bà con cần quan tâm. Vì nhu cầu khoáng chất đối với tôm là điều không thể thiếu, nó ảnh hưởng đến quá trình sống và phát của tôm. Việc nước ao không có đầy đủ khoáng chất sẽ dẫn đến việc chết tôm do lột xác không thành công.
2. Cách khắc phục hiện tượng tôm rớt đáy
Cải thiện ao nuôi trước khi thả tôm:
- Vệ sinh kỹ đáy ao, nếu là ao bạt thì nên vệ sinh kỹ bạt, tránh để lại các chất thải, cặn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống của tôm. Tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển ngay từ đầu là một trong những cách giúp hạn chế các bệnh trên tôm và hiện tượng tôm rớt đáy.
- Đối với ao bị ô nhiễm, để lâu ngày: Chà bạt thật sạch, sau đó ngâm 2 – 3 tấc nước với 20kg Clorin cho 1.200m2 trong 1 ngày, đồng thời dùng bơm chìm hút nước Clorin này xịt rửa bờ ao, quạt, phao. Sau đó rút hết nước chứa Clorin ra và thả nước nuôi tôm đạt chất lượng vào.
- Đối với ao tôm từng nhiễm bệnh nấm: Thực hiện các bước như ao tôm để lâu ngày ở trên, nhưng trước khi tiến hành chà bạt, bà con cần tiến hành xịt ướt bạt, rải vôi nóng (CaO). Sau khi chà bạt xong, bà con xịt ướt bạt rắc vôi nóng lên lần nữa, rồi mới cho nước vào ao khoảng 2 – 3 tấc ngâm Clorin như ở trên.
Nuôi mật độ vừa phải:
Thả tôm với mật độ quá dày sẽ khiến tôm thiếu không gian phát triển, khả năng lột bị hạn chế, và sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tôm rớt đáy. Do đó, sau khi chọn được con giống chất lượng (tôm giống có nguồn gốc rõ ràng; tôm mẹ đảm bảo chất lượng; có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura…; cỡ tôm đạt 9 – 11 mm…) bà con nên thả tôm với mật độ vừa phải như sau:
- Đối với ao có lót bạt: 100 – 150 con/m2.
- Đối với ao đất: 60 – 80 con/m2.
Khi trời mưa
- Luôn giữ mật độ tảo ổn định, tránh tảo tàn đột ngột
- Rải vôi dọc bờ ao khi nhận biết trời sắp mưa
Trong lúc mưa:
- Luôn chạy quạt nước và sục khí
- Giảm thức ăn ít nhất 30% thậm chí ngừng cho ăn khi mưa to, liên tục
- Bơm bỏ ngay lớp nước bề mặt để loại bỏ nước mưa khỏi ao
- Kiểm tra kiềm, pH và điều chỉnh về mức thích hợp
Sau khi mưa:
- Bổ sung vi sinh vật có lợi liều cao vào nước ao cạnh tranh quần thể vi khuẩn gây bệnh.
- Bổ sung khoáng, vitamin, chất điện giải vào môi trường và thức ăn giúp tôm khỏe mạnh và lột xác nhanh cứng vỏ. Đặc biệt là khoáng Natri, Kali và Magie.
Lựa chọn thức ăn phù hợp
- Chọn thức ăn đủ chất dinh dưỡng ở những cơ sở uy tín trên thị trường.
- Chọn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng
- Đảm bảo đầy đủ thông số về thành phần, cách sử dụng, bảo quản
- Tính chất thức ăn phải đồng nhất và có độ bền bỉ khi bỏ vào nước
- Thức ăn nuôi tôm cần được bảo quản đúng cách, đúng nơi quy định tránh đặt dưới sàn nhà ẩm ướt hoặc ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm giảm chất lượng của thức ăn.
Bổ sung khoáng chất đầy đủ cho ao nuôi:
- Bổ sung các loại khoáng chất như Canxi,Magie, Natri để tôm khỏe mạnh và lột xác nhanh, cứng vỏ.
Quản lý môi trường khí độc NO2, NH3, pH, cung cấp Oxy cho ao nuôi
- Thường xuyên bổ sung men vi sinh định kì cho ao nuôi để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao nuôi làm sạch nước, giảm khí độc NH3,NO2 trong ao
- Thiết kế ao đìa sao cho khi quạt chất thải tự động gom về hố xiphon.
- Thay nước trong khả năng có thể.
- Bị nấm dùng diệt khuẩn AT/AV
- Đối với vùng nước phèn, ao không bao giờ được quá khô, nên rải vôi để ổn định độ pH.
- Trước khi mưa lớn, bà con nên rắc 10-20kg/m2 vôi Ca (OH) 2 xung quanh ao để tránh pH giảm đột ngột.
- Để tăng nhanh độ pH trong ao, bà con bón lót từ 50 đến 100kg Ca(OH)2 hòa tan trong nước vào những ngày mát, chiều muộn hoặc những ngày mưa.
- Để cung cấp oxy cho ao nuôi tôm, các bạn có thể sử dụng tảo để cung cấp oxy cho ao nuôi tôm. Để sử dụng phương pháp này, các bạn có thể bổ sung bột ngũ cốc, bột cá để tăng số lượng tảo cho ao nuôi tôm
- Ngoài ra, các bạn cũng có thể sử dụng máy quạt nước tạo oxy hoặc hệ thống sục khí đáy cho các ao nuôi tôm. Đây là một giải pháp tuyệt vời nhằm tạo oxy cho cả ao nuôi tôm ao bạt hay ao đất.
- Có thể gây tảo để cung cấp oxy cho ao nuôi tôm, để ứng dụng phương pháp này bạn cần kiểm soát ao nuôi thường xuyên để tránh khỏi tình trạng ao nuôi phát triển quá mức. Bà con nên sử dụng quạt nước hoặc hệ thống sục khí đáy thường xuyên cho ao nuôi. Đây là một giải pháp tuyệt vời duy trì lượng oxy hòa tan (DO) và duy trì lượng tảo.
*Nguồn: Sưu tầm
* Biên tập: Maya Pharmadis
Bài viết liên quan
Kháng sinh nguyên liệu cho tôm
KỸ THUẬT CẢI TẠO AO NUÔI MÙA LŨ
18 bệnh thường gặp trên tôm nuôi
Cách sang tôm
Dấu hiệu tôm bệnh gan
Quy trình lột xác tôm thẻ chân trắng