Quy trình lột xác tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng cần đến sự lột xác để tăng kích thước và trọng lượng, điều này được lặp đi lặp lại trong suốt vòng đời của chúng. Chính vì thế, người nuôi luôn muốn kích thích tôm lột xác đồng loạt, nâng cao năng suất và chất lượng tôm khi thu hoạch. Bên cạnh đó, tôm lột xác đồng đều giúp tăng khả năng kháng lại vi khuẩn, virus gây bệnh…Quy trình lột xác tôm thẻ chân trắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thông thường, tôm sẽ không lột vỏ đồng loạt vào cùng một thời điểm. Chúng thường có xu hướng lột vỏ qua thời kỳ thuỷ triều cao hoặc trăng tròn. Quá trình lột xác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có pH. Nếu pH trong ao cao (8.2 trở lên) tôm sẽ đợi đến khi pH hạ xuống 8.2 sẽ bắt đầu lột xác, quá trình này thường xảy ra vào ban đêm , từ 22 giờ đêm – 2 giờ sáng hôm sau. Đối với những con tôm khoẻ mạnh thì quy trình lột xác này chỉ mất khoảng 5-7 phút.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình lột xác tôm thẻ chân trắng:

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, việc kích thích tôm lột xác đồng đều là điều người nuôi tôm mong muốn. Bên cạnh đó, bà con cần hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi. Để tôm có thể lột xác tốt, đồng đều, người nuôi cần phải quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến lột xác như dinh dưỡng, môi trường, dịch bệnh.

• Yếu tố dinh dưỡng: Là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tôm khó lột xác. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ nên vỏ không nứt ra để lột xác. Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn đủ lượng thức ăn có hàm lượng đạm tổng số 32 – 45%.

• Quản lý thức ăn: Cho tôm ăn đủ lượng thức ăn, trong tháng nuôi đầu cho ăn 8 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5 – 7%. Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.

• Bổ sung khoáng chất: Cung cấp đầy đủ chất khoáng cần thiết giúp tôm lột xác tốt hơn, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng. Chủ động bổ sung một số chất cần thiết như Canxi, Phospho, men kích thích, Premix… để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới. Tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm vì vậy nên bổ sung chất khoáng vào bữa ăn chiều cho tôm.

• Môi trường nuôi: Môi trường nuôi không tốt ức chế các hoạt động, ảnh hưởng lớn đến quá trình lột xác của tôm. Vì vậy, cần chủ động điều tiết các thông số môi trường như: pH, độ kiềm, oxy hòa tan, nhiệt độ… Bằng cách thực hiện cải tạo, xử lý môi trường nuôi, gây màu nước cho tốt, nuôi đúng thời vụ; Thả nuôi với mật độ vừa phải; Định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh.

• Do một số bệnh: Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, tôm còi… cũng khiến cho tôm chậm lột vỏ hoặc không thể lột vỏ. Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm; thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp khác. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, cần đồng thời tiến hành các biện pháp điều trị cho từng bệnh cụ thể.

Các yếu tố cần thiết cho sự lột xác của tôm:

Bà con cần chuẩn bị tốt các yếu tố cần thiết giúp cho tôm lột xác dễ dàng hơn:

• pH không được vượt mức 8.2

• Độ kiềm thích hợp ở mức 120ppm

• Bắt buộc đảm bảo rằng lượng oxy phải đủ vì sau khi lột xác cần gấp đôi lượng oxy để hô hấp

• Các tỷ lệ khoáng phải hợp lý: Mg, Ca, K, P ,..muối

Quy trình lột xác tôm thẻ chân trắng:

– Giai đoạn 1: Chuẩn bị lột xác của tôm

Trước khi chuẩn bị lột xác, vỏ tôm thường sạch và cứng, có màu nhạt, cơ thịt lỏng lẻo, thịt không có vị và ít khoáng.

Tôm sẽ tích tụ những khoáng chất và dinh dưỡng cần thiết trong máu và gan. Đây là khoảng thời gian dài nhất trong quá trình lột xác, tùy vào kích thước lớn hay nhỏ của tôm mà quá trình lột xác diễn ra nhanh hay chậm. Tôm càng lớn thì quá trình lột xác diễn ra càng lâu, đồng nghĩa với việc trọng lượng của tôm sẽ được tăng nhiều hơn.

Quy trình lột xác của tôm thẻ chân trắng rất quan trọng đối với sự phát triển của tôm.

– Giai đoạn 2: Trước khi lột xác

Đây là giai đoạn mà tôm ở trạng thái ít vận động nhất, vỏ sẽ rất cứng và cơ thịt giàu chất dinh dưỡng. Nếu tôm chưa sẵn sàng, nó sẽ không lột vỏ vì điều này dễ làm cho tôm chết.

Khi tôm đã sẵn sàng lột xác (đây là giai đoạn gan tụy tôm sẽ to nhất khoảng 1.17% trọng lượng thân vì nó tích lũy chất dinh dưỡng), tôm sẽ bắt đầu tích tụ các chất dinh dưỡng để hình thành một lớp vỏ mềm bên dưới lớp vỏ cũ ở tầng biểu bì, tầng trong, chitin và các khoáng chính như Mg và Ca sẽ được hấp thụ từ lớp vỏ cũ và tích lũy vào lớp vỏ mới (lưu ý: pH phải thấp hơn 8.3), lượng khoáng này không đủ để làm cứng vỏ mới nhưng đủ để tạo một lớp màng. Đối với tôm 10 – 15gram sẽ mất khoảng 6 giờ.

– Giai đoạn 3: Lột xác

Khi lớp vỏ mới đã bắt đầu cứng và hoàn chỉnh thì lớp vỏ cũ đã giòn. Lúc này, tôm bắt đầu bơm nước vào cơ thể, làm cho cơ thể to lên và lớp vỏ cũ sẽ bung ra ở phần đỉnh đầu của thân tôm. Tôm sẽ cong cơ thể và búng mạnh để lớp vỏ cũ bung ra hết. Kích thước và trọng lượng của tôm sẽ tăng lên ngay sau khi tôm lột xác, nhưng cơ thịt vẫn còn mềm.

– Giai đoạn 4: Sau lột xác

Đây là giai đoạn cuối cùng trong quy trình lột xác của tôm thẻ chân trắng. Lúc này, tôm lột sẽ hạn chế tiếp thu năng lượng nên cơ thể tôm rất yếu, chưa thể bơi đi xa được chỉ có thể búng 2 – 3 lần để chống lại kẻ thù. Đồng thời, lớp vỏ chitin chưa hoàn thiện khiến tôm dễ bị nguy hiểm. Tôm lột cần hấp thu các khoáng chất từ nước (đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính) để làm cứng vỏ nhanh nhất có thể, thông thường dưới 1 giờ. Nếu nó mất nhiều thời gian hơn thì khả năng bị ăn thịt sẽ cao hơn.

Lưu ý: Bà con không được sử dụng các chất kích thích hoặc Hormone kích thích tôm lột xác vì điều này sẽ dẫn đến tôm chết hàng loạt, gây ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Nếu quá trình lột xác diễn ra vào trời mưa, nước mưa cùng với pH thấp sẽ kích thích tôm lột vỏ nhưng lúc này ao nuôi đang thiếu oxy, khí độc cao, nước lạnh và thiếu khoáng. Bà con cần bổ sung vôi để duy trì pH và ngăn chặn tôm lột vỏ. Vào mỗi trận mưa lớn bà con nên tăng cường sục khí và cắt giảm cho ăn, đồng thời kiểm tra pH sau 2 – 3 tiếng.

Với những thông tin trên Maya Pharmadis mong muốn quý bà con sẽ có thêm kiến thức để áp dụng trong các vụ nuôi của mình giúp tôm khoẻ mạnh và đạt hiệu quả kinh tế. Cuối cùng em xin kính chúc quý bà con được mùa được giá mùa màng bội thu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *