Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) mang lại hiệu quả kinh tế cao nên phương thức nuôi truyền thống dần được thu hẹp. Qua đó, diện tích nuôi tôm UDCNC được nâng lên qua các năm, cho thấy mục tiêu 4.000ha nuôi tôm UDCNC sẽ đạt được sớm hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre đề ra vào cuối năm 2025.

Một mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre

Tăng hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Ngành thủy sản của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản đạt trên 47.590ha, với sản lượng đạt hơn 310.015 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh xoay vòng đạt hơn 12.500ha, với sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt trên 83.100 tấn.

Theo ông Cảnh, các tổ chức, cá nhân nuôi tôm nước lợ thâm canh đã từng bước áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình, hình thức sản xuất theo hướng UDCNC để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành… đã được hình thành và phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thủy sản.

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp được nhiều chuyên gia, nông dân trong ngoài tỉnh và nước ngoài đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Nhiều hộ nuôi đầu tư các quy trình công nghệ cao đã thành công nhiều vụ liền

Qua đánh giá của Sở NN&PTNT, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho tỷ lệ thành công cao và đạt trên 80-90% diện tích nuôi có lãi. Đây là các mô hình tiên tiến nhất được đầu tư bài bản, quản lý nghiêm ngặt, khu nuôi được thiết kế hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp hệ thống biogas.

Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy, ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạc hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo, tôm được ương sau đó chuyển xuống ao nuôi và sang thưa ra nhiều giai đoạn. Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặc chẽ, năng suất từ 20-25 tấn/ha lợi nhuận từ 700-900 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình lợi nhuận từ 1-2 tỷ đồng

Liên kết mở rộng vùng nuôi

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, để mở rộng diện tích vùng nuôi trong điều kiện tự nhiên, đất đai có giới hạn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra của tỉnh, thì phải đầu tư khoa học – công nghệ nhằm nâng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm. Việc phát triển nuôi tôm phải theo kế hoạch, quy hoạch, quy mô phát triển phải tập trung thì mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng ổn định và bền vững.

Để làm được điều này, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Nuôi tôm muốn thành công phải có hệ thống cấp nước, thoát nước riêng. Nếu các hộ nuôi nhỏ lẻ thì không làm được điều đó vì chi phí đầu tư lớn, cho nên cần phải hợp tác liên kết đầu tư tạo vùng nuôi lớn thì mới có khả năng. Đây là mấu chốt thành công trong nuôi tôm. Mục tiêu là quy hoạch thành các vùng tôm lớn để đầu tư hệ thống cấp, thoát nước riêng, đầu tư hạ tầng chi phí thấp. Khi chi phí đầu tư thấp thì hiệu quả kinh tế mang lại mới cao”.

Định hướng phát triển

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) Nguyễn Văn Dũng cho biết, địa phương rất tích cực trong việc mời gọi nhà đầu tư, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển UDCNC tại các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Bình Thắng. Trong đó, xây dựng mô hình nuôi tôm UDCNC tại xã Thạnh Phước với quy mô 100ha để nhân rộng ra toàn huyện. Xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm biển gắn với truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy và tạo sự bền vững cho con tôm trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo lộ trình từng năm, Bình Đại sẽ nỗ lực phát triển đạt 2.000ha nuôi tôm UDCNC vào năm 2025; đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, liên kết các doanh nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm…

Gần đây nhất là Nghị quyết số 09-NQ/ĐH của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 đã chọn việc phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ UDCNC tỉnh Bến Tre đến năm 2025 là 1 trong 11 công trình trọng điểm để chào mừng đại hội.

Tâm thư Maya

Maya Pharmadis luôn mong muốn bà con sử dụng những mô hình hiện đại và hiệu quả nhất để năng suất, sản lượng tôm đạt được chất lượng tốt nhất cung cấp ra thị trường, nhất là những thị trường khó như Châu Âu, Mỹ, Nhật,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *