Hội chứng Taura – Bệnh đuôi đỏ trên tôm

Hội chứng Taura – Bệnh đuôi đỏ trên tôm

Hội chứng Taura (Taura Syndrome) là một bệnh nguy hiểm trong ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Bệnh xuất hiện lần đầu vào đầu những năm 1990 tại khu vực Nam Mỹ. Hội chứng này lan rộng và gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực nuôi tôm trên toàn thế giới. Bệnh đặc trưng bởi đỏ đuôi, xuất huyết biểu bì và tổn thương cơ quan nội tạng của tôm. Hội chứng làm giảm năng suất và đe dọa sinh kế của người nuôi tôm. Để hiểu rõ hơn, cần tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, tác động và các giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Hội chứng Taura

Nguyên nhân 

Nguyên nhân gây ra hội chứng Taura đỏ đuôi trên tôm chủ yếu do virus Taura Syndrome Virus (TSV). TSV là một Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae, có cấu trúc axit nhân là ARN. Virus có hình cầu 20 mặt, kích thước đường kính 30-32nm. Hệ gen là một mạch RNA, dài 10,2kb. Với cấu trúc capsid gồm 3 phần chính (55, 40 và 24 kD). Capsid còn có thêm một đoạn polypeptide phụ với kích thước 58kD. Virus ký sinh chủ yếu ở tế bào biểu mô và dưới biểu mô ở phần đuôi của tôm.

Virus này lây lan qua môi trường nước nhiễm bẩn hoặc thức ăn chứa mầm bệnh. Tôm nhiễm bệnh hoặc dụng cụ nuôi không được vệ sinh cũng làm tăng nguy cơ lây lan virus. Điều kiện nuôi không đảm bảo cũng là yếu tố góp phần bùng phát bệnh. Mật độ nuôi tôm quá dày khiến tôm dễ bị căng thẳng và giảm sức đề kháng. Chất lượng nước nuôi kém, như thiếu oxy hoặc nước bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.

Triệu chứng

Giai đoạn cấp tính:

Tôm yếu, bơi lờ đờ và thường tụ tập ở bờ hoặc vùng nước nông. Cơ thể tôm xuất hiện các đốm đỏ,đặc biệt ở đuôi, chân bơi và phần giáp. Vỏ tôm trở nên mềm, dễ tổn thương, dễ bị rách khi va chạm.

Giai đoạn mãn tính:

Tôm sống sót qua giai đoạn cấp tính thường phát triển chậm hơn bình thường. Các đốm đỏ trên cơ thể biến mất, nhưng vỏ tôm trở nên dày và cứng hơn. Tôm bị suy giảm sức đề kháng, dễ nhiễm các bệnh khác trong môi trường nuôi.

Giai đoạn hoại tử:

Cơ của tôm bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng hoại tử. Hoại tử lan rộng khiến tôm suy yếu và chết hàng loạt trong thời gian ngắn. Tôm ở giai đoạn này không thể phục hồi và gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Phòng và trị bệnh

Cũng như nhiều bệnh do virus gây ra, hội chứng Taura có thể lây nhiễm theo chiều dọc từ tôm bố mẹ mang mầm bệnh sang tôm giống; và cũng có thể lây nhiễm theo chiều ngang khi tôm khỏe ăn tôm chết bệnh hoặc sống trong môi trường nước có chứa chất thải từ tôm bệnh.

Hiện vẫn chưa có liệu pháp điều trị cụ thể cho hội chứng Taura, nên chủ yếu vẫn là phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt các phương pháp phòng bệnh tổng hợp như:

  • Xét nghiệm, chọn tôm bố mẹ, tôm giống có chất lượng tốt và không nhiễm Taura.
  • Nguồn nước cho vào ao nuôi không được lấy trực tiếp từ tự nhiên, phải được lắng lọc.
  • Quản lý và theo dõi chặt chẽ môi trường nước ao.
  • Ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân chuyên chở mầm bệnh như các loài giáp xác hoang dã như cua còng. Các loài chim bằng cách làm hàng rào xung quanh ao nuôi và giăng lưới ngăn các loài chim.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *