Hiện nay, kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh theo quy trình 2 và 3 giai đoạn đang ngày càng được áp dụng rộng rãi, do có nhiều ưu điểm như: nuôi tôm với mật độ cao, nuôi nhiều vụ trong năm, hạn chế được rủi ro trong giai đoạn đầu, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn.
Trong quá trình nuôi 2 – 3 giai đoạn, một trong các kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng đến thành công của vụ nuôi là kỹ thuật sang tôm (là kỹ thuật chuyển tôm) sau khi kết thúc mỗi giai đoạn. Để quá trình chuyển tôm thành công, hạn chế tôm sốc và đạt tỉ lệ sống cao, người nuôi cần chú ý một số vấn đề về cách sang tôm như:
Chuẩn bị trước lúc chuyển tôm:
Đầu tiên phải kiểm tra trọng lượng tôm trước khi chuyển tôm.Thời điểm chuyển tôm phù hợp là giai đoạn tôm khoảng 20-25 ngày, lúc tôm đạt trọng lượng 800-1000con/kg. Tiến hành chuyển tôm vào thời gian sáng sớm hoặc chuyển mát, tốt nhất là trước 8 giờ sáng và sau 4 giờ chiều; lựa chọn thời điểm sang tôm lúc tôm đang ăn khoẻ, gan tôm có màu nâu đen, đường ruột lớn, không bị đứt khúc, khi kéo nhá kiểm tra thấy tôm tập trung nhiều ở nhá, búng nhảy mạnh khi kéo nhá lên khỏi mặt nước; Các thông số chất lượng nước như pH, độ kiềm, độ mặn…trong ao nuôi giai đoạn 2 tương đồng với chất lượng nước trong ao nuôi giai đoạn 1, lựa chọn thời điểm tôm cứng vỏ để chuyển tôm; trước khi tiến hành chuyển tôm 2-3 ngày cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, betagluncan, khoáng, men tiêu hoá giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế stress cho tôm.Ngưng cho tôm ăn 3-5 tiếng trước thời điểm tiến hành chuyển tôm.
Quá trình chuyển tôm:
Đối với các hệ thống nuôi mới, được thiết kế theo quy trình nuôi 2 giai đoạn, chỉ cần rút ống thoát đã được thiết kế từ trước, tôm từ ao ương sẽ theo đó mà sang ao nuôi giai đoạn 2. Đối với các ao nuôi không thiết kế hệ thống ống ngầm, có thể sử dụng các dụng cụ để chuyển tôm như: rạp xếp, lú, lưới kéo, thau, giỏ,…; sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để kéo tôm hoặc đặt lú, bát quái để chuyển tôm, trường hợp kéo lưới, cần kéo từng đoạn ngắn, sau đó chuyển tôm đi, tránh để tôm vô lưới nhiều, dễ bị ngộp. Trường hợp đặt lú, bát quái, không nên để thời gian quá lâu, tránh trường hợp tôm bị ngộp do vào quá nhiều;
Sau 3 – 5 mẻ tôm thả sang ao mới nên đánh khoáng, vitamin C, yucca, nhằm chống sốc cho tôm, ổn định các thông số môi trường, tăng cường sục khí trước, trong và sau quá trình chuyển tôm.
Sau khi chuyển tôm:
Sau khi chuyển tôm sang giai đoạn 2, cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng, men vi sinh liệu lượng 5g/kg thức ăn hoặc tạt yucca với liều lượng 0,5 lít/1000m3 ao nuôi, tạt trực tiếp xuống ao nhằm sớm ổn định môi trường trong ao cũng như hạn chế tôm bị stress; sau khoảng 8 – 12 giờ kể từ khi chuyển tôm mới bắt đầu cho ăn, ngày đầu tiên cho ăn, nên cho tôm ăn khoảng 80% lượng thức ăn so với thông thường, sau đó theo dõi sức ăn của tôm để từ từ điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khi tôm đã thích nghi môi trường mới, hoạt động bình thường, lượng ăn hàng ngày điều chỉnh theo nhu cầu thực tế của tôm trong ao. Thường xuyên bổ sung các enzyme hỗ trợ tiêu hoá, vi sinh đường ruột, chất hỗ trợ gan, vitamin,… để tăng cường đề kháng cho tôm.
Trên đây là một số vấn đề về chuyển tôm bà con có thể tham khảo thêm để áp dụng vào vụ nuôi của mình. Với những thông tin trên Maya Pharmadis hy vọng bà con đã có thêm nhiều kiến thức giúp nuôi tôm khỏe mạnh và đạt hiệu quả kinh tế.
Bài viết liên quan
Tôm lội và giải pháp khắc phục
Dấu hiệu nhận biết ao nuôi tôm bị nhiễm khí độc
Sử dụng bả mía trong nuôi tôm
pH thấp và pH cao ảnh hưởng như thế nào đến tôm
Sử dụng nghệ trong nuôi tôm
Lá trầu không, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gan cho tôm thẻ chân trắng